Nghiên cứu phương án mới để xử lý nước thải cho đô thị Biên Hòa: Hiện nay, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP.Biên Hòa đều đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Riêng KCN Biên Hòa 1 dù chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng hiện đã được đưa ra khỏi quy hoạch và đóng cửa trong thời gian tới. Chính vì vậy, nguồn nước thải trực tiếp ra hệ thống sông, suối trên địa bàn TP.Biên Hòa sẽ chủ yếu là nguồn nước thải sinh hoạt.
Mục Lục
Nghiên cứu phương án mới để xử lý nước thải cho đô thị Biên Hòa
Với những vướng mắc trong việc giải quyết nguồn vốn ODA từ Nhật Bản đối với dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành và UBND TP.Biên Hòa nghiên cứu thêm phương án mới đối với vấn đề xử lý nước thải cho đô thị Biên Hòa.
* Xử lý tại hạ nguồn các lưu vực suối
Hiện nay, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP.Biên Hòa đều đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Riêng KCN Biên Hòa 1 dù chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng hiện đã được đưa ra khỏi quy hoạch và đóng cửa trong thời gian tới. Chính vì vậy, nguồn nước thải trực tiếp ra hệ thống sông, suối trên địa bàn TP.Biên Hòa sẽ chủ yếu là nguồn nước thải sinh hoạt.
Xuất phát từ thực tế này, cùng với việc chậm tiến độ của dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa do vướng mắc trong giải quyết vốn vay ODA từ Nhật Bản, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng và TP.Biên Hòa nghiên cứu thêm giải pháp mới trong vấn đề xử lý nước thải.
Cụ thể, thay vì xây dựng hệ thống thu gom nước thải và xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, phương án được đề xuất là xây dựng các trạm xử lý nước thải quy mô phù hợp tại hạ nguồn các tuyến suối trên địa bàn. Tại khu vực này, các trạm xử lý nước thải sẽ thực hiện thu gom và xử lý nguồn nước trước khi xả ra sông Đồng Nai.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay, trên địa bàn có một số tuyến suối lớn như: suối Săn Máu, suối Tân Mai, suối Bà Bột, suối Linh… Theo phương án được UBND tỉnh đề nghị nghiên cứu, các cơ quan chức năng sẽ tính toán lưu lượng nước của các con suối. Từ lưu lượng nước đó, sẽ bố trí ở hạ nguồn một quỹ đất phù hợp xây dựng các trạm xử lý nước thải để thu gom và xử lý nguồn nước trước khi xả ra sông. “Với phương án này, các trạm xử lý nước thải chỉ cần xây dựng với quy mô xử lý trung bình khoảng 6 ngàn m3/ngày đêm và diện tích xây dựng chỉ từ 0,7-1ha” – ông Huỳnh Tấn Lộc cho biết.
Cũng theo ông Huỳnh Tấn Lộc, với mô hình này, hiện nay TP.Biên Hòa cũng đã xây dựng Trạm xử lý nước thải số 1 (P.Hố Nai) để xử lý nguồn nước cho suối Săn Máu và bước đầu cho thấy hiệu quả. “Trạm xử lý nước thải tại P.Hố Nai hiện có công suất xử lý 9 ngàn m3/ngày đêm. Tuy nhiên, do vị trí đặt ở thượng nguồn nên chưa phát huy hết hiệu quả”.
* Tính toán giữ quỹ đất cho việc xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung
Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT liên hệ với các đơn vị thực hiện xử lý nước thải trên sông Tô Lịch (Hà Nội) để nghiên cứu công nghệ xử lý và đánh giá mức độ phù hợp khi áp dụng đối với các sông suối trên địa bàn. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã giao UBND TP.Biên Hòa đề xuất phương án sử dụng đất để xây dựng các trạm xử lý nước thải tại khu vực các tuyến suối trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Tấn Lộc, song song với việc nghiên cứu thêm phương án mới đối với vấn đề xử lý nước thải, cũng cần có cơ chế giữ lại quỹ đất phục vụ xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Bởi, đô thị Biên Hòa hiện có dân số hơn 1 triệu người, là một trong những đô thị lớn, đô thị loại I của cả nước nhưng chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, việc có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt. “Cần giữ lại quỹ đất xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, nếu không thể triển khai bằng nguồn vốn ODA có thể tính toán xem xét để thực hiện bằng một nguồn vốn khác” – ông Huỳnh Tấn Lộc nêu quan điểm.
Thực tế, theo quy hoạch trước đây, dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa được xem là giải pháp căn cơ cho vấn đề xử lý nước thải của đô thị Biên Hòa. Đến nay, một số hạng mục thuộc phần vốn đối ứng của tỉnh như: công tác đền bù, san lấp mặt bằng, xây tường rào, nhà bảo vệ của trạm xử lý nước thải và trạm bơm số 1 đã được triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, các hạng mục thuộc phần vốn ODA hiện vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân là do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vẫn quan ngại việc chưa xử lý dứt điểm ảnh hưởng của chất độc da cam (dioxin) đến dự án nên chưa thể tuyển chọn đơn vị tư vấn để tiếp tục triển khai.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, tỉnh đã nhiều lần làm việc với JICA và khẳng định trong khu vực thực hiện dự án không có ô nhiễm dioxin nhưng đến nay tổ chức này vẫn còn quan ngại và chưa đồng ý để thực hiện các bước tiếp theo của dự án. Trong khi đó, nhiệm vụ tiêu thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt cho đô thị Biên Hòa ngày càng áp lực với địa phương nên phải được thực hiện càng nhanh càng tốt.