Những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước hiện nay: Các chất rắn không tan khi được thải vào nước làm tăng lượng chất lơ lửng, tức làm tăng độ đục của nước. Các chất này có thể là gốc vô cơ hay hữu cơ. Nhiều chất thải công nghiệp có chứa các chất có màu, hầu hết là màu hữu cơ, làm giảm giá trị sử dụng của nước về mặt y tế cũng như thẩm mỹ.
Mục Lục
Những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước hiện nay
Việt Nam là một quốc gia có đường bờ biển dài, địa hình rất đặc biệt, cùng với hệ thống ao hồ sông ngòi rất dày đặc. Tuy nhiên, dưới sự phát triển xã hội cùng với các ngành công nghiệp đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Vì thế, việc xử lý nước đang là vấn đề cấp bách hiện nay. Theo đó, chúng ta cùng tìm hiểu về những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn nước, để hiểu rõ và có biện pháp bảo vệ và xử lý nguồn nước hợp lý.
Ô nhiễm do yếu tố tự nhiên
Theo tính toán 60% lượng nước ngọt trên lãnh thổ Việt Nam bắt nguồn từ các nước láng giềng đặc biệt từ Trung Quốc – là thượng nguồn của cả hệ thống sông Hồng và sông Mê Kông. Với tình trạng ô nhiễm do phát triển công nghiệp và sinh hoạt ở các nước đầu nguồn nên nguồn nước đổ về nước ta ngày càng ô nhiễm trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, do đặc điểm tự nhiên Việt Nam nằm ở khu vực có cấu tạo địa hình, địa chất phức tạp gồm cả đồng bằng, trung du và miền núi. Dưới lòng đất có nhiều các khoáng vật như đá vôi, than đá…và nhiều các kim loại nặng như sắt, đồng, chì, thủy ngân, cadimi, măng gan và thậm chí asen. Càng khoan sâu, nước tuy trong hơn nhưng càng có nguy cơ cao chạm phải các kim loại nặng trong các tầng địa chất.
Trong số các kim loại nặng thạch tín được mệnh danh là “sát thủ giấu mặt” và tồn tại trong nước ngầm. Thạch tín có tên hóa học là asen, thuộc nhóm kim loại nặng và là một khoáng vật màu xám thép. Asen là nguyên tố có trong thiên nhiên, rải rác khắp nơi trong vỏ trái đất, trong nguồn nước ngọt và môi trường. Trong công nghiệp, nó được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu, thủy tinh, thuốc rụng lá, thuốc pháo…
Ở dạng hợp chất vô cơ, thạch tín rất độc nếu sử dụng với liều lượng cao. Chỉ 0,06 g thạch tín vào cơ thể cũng đủ gây ngộ độc. Với liều lượng gấp đôi, nó sẽ gây tử vong. Ngộ độc thạch tín có hai dạng: cấp tính và mạn tính. Ngộ độc cấp tính: Có triệu chứng giống như bệnh tả, xuất hiện rất nhanh, có thể là ngay sau khi ăn phải thạch tín.
Bệnh nhân nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy liên tục, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu và chết sau 24 giờ. Ngộ độc mạn tính: Dạng này thường xảy ra do tích lũy liều lượng nhỏ thạch tín trong thời gian dài. Triệu chứng bao gồm: mặt xám, tóc rụng, viêm dạ dày, viêm ruột, đau mắt, đau tai, đi đứng loạng choạng, xét nghiệm có thạch tín trong nước tiểu, người gầy còm, kiệt sức rồi tử vong trong vài tháng hoặc vài năm.
Ô nhiễm do yếu tố con người
Nước dùng cho ăn uống của chúng ta bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn do chính cuộc sống của con người gây nên bao gồm 3 hoat động chính: sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, do đặc thù của một nước đang phát triển, chúng ta đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nguồn nước sinh hoạt ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi 4 yếu tố ô nhiễm chính do con người: Hậu quả chiến tranh, do rác thải sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp.
Qua kết quả nghiên cứu trong 18 năm của Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga, các nhà khoa học kết luận rằng chất độc da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khoẻ con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người đã bị phơi nhiễm. Cũng theo hai nhà khoa học Nga này, tác động lâu dài của chất độc da cam/điôxin không chỉ có 20 năm, mà có thể lên tới trên 100 năm. Số người bị ảnh hưởng của chất độc này cũng không chỉ dừng ở 4,8 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người do chất độc này tồn tại trong nguồn nước ngầm mà con người dùng để sinh hoạt
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, từ những năm 90 đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân. Với tỉ trọng ngày càng cao của sản xuất công nghiệp, mục tiêu bước đầu trở thành một nước công nghiệp ở Việt Nam sắp hoàn thành. Quá trình công nghiệp bên cạnh việc mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế, đồng thời làm nảy sinh nhiều hậu quả với môi trường.
Nhìn chung, hầu hết các khu, cụm, điểm công nghiệp trên cả nước chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về môi trường theo quy định. Thực trạng đó làm cho môi trường sinh thái ở một số địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cộng đồng dân cư, nhất là các cộng đồng dân cư lân cận với các khu công nghiệp, đang phải đối mặt với thảm hoạ về môi trường. Họ phải sống chung với khói bụi, uống nước từ nguồn ô nhiễm chất thải công nghiệp… Từ đó, gây bất bình, dẫn đến những phản ứng, đấu tranh quyết liệt của người dân đối với những hoạt động gây ô nhiễm môi trường, có khi bùng phát thành các xung đột xã hội gay gắt.
Hoạt động nhà máy công nghiệp, các ngành nghế tryền thống phát triển
Cùng với sự ra đời ồ ạt các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề thủ công truyền thống cũng có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Việc phát triển các làng nghề có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết việc làm ở các địa phương. Tuy nhiên, hậu quả về môi trường do các hoạt động sản xuất làng nghề đưa lại cũng ngày càng nghiêm trọng.
Tình trạng ô nhiễm không khí, chủ yếu là do nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề là than, lượng bụi và khí CO, CO2, SO2 và NO2 thải ra trong quá trình sản xuất khá cao. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có 2.790 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống, đang giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động, bao gồm cả lao động thường xuyên và lao động không thường xuyên. Các làng nghề được phân bố rộng khắp cả nước, trong đó các khu vực tập trung phát triển nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Tây Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Riêng ở Đồng bằng sông Hồng có 866 làng nghề, chiếm 42,9% cả nước. Hình thức các đơn vị sản xuất của làng nghề rất đa dạng, có thể là gia đình, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Tuy nhiên, do sản xuất mang tính tự phát, sử dụng công nghệ thủ công lạc hậu, chắp vá, mặt bằng sản xuất chật chội, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải ít được quan tâm, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của người dân làng nghề còn kém, bên cạnh đó lại thiếu một cơ chế quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng Nhà nước, chưa có những chế tài đủ mạnh đối với những hộ làm nghề thủ công gây ô nhiễm môi trường và cũng chưa kiên quyết loại bỏ những làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày càng trầm trọng và hiện nay đã ở mức “báo động đỏ”.
Hoạt động gây ô nhiễm môi trường sinh thái tại các làng nghề không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khoẻ của những người dân làng nghề mà còn ảnh hưởng đến cả những người dân sống ở vùng lân cận, gây phản ứng quyết liệt của bộ phận dân cư này, làm nảy sinh các xung đột xã hội gay gắt.
Bên cạnh các khu công nghiệp và các làng nghề gây ô nhiễm môi trường, tại các đô thị lớn, tình trạng ô nhiễm cũng ở mức báo động. Đó là ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế.. Những năm gần đây, dân số ở các đô thị tăng nhanh khiến hệ thống cấp thoát nước không đáp ứng nổi và xuống cấp nhanh chóng. Nước thải, rác thải sinh hoạt (vô cơ và hữu cơ) ở đô thị hầu hết đều trực tiếp xả ra môi trường mà không có bất kỳ một biện pháp hay công nghệ xử lý nước thải nào ngoài việc vận chuyển đến bãi chôn lấp. Theo báo cáo của Chương trình môi trường của Liên hợp quốc, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu châu Á về mức độ ô nhiễm bụi.
Bất cứ một hiện tượng nào làm giảm chất lượng nước đều bị coi là nguyên nhân gây ô nhiễm nước.Ô nhiễm nước do mưa, tuyết tan, lũ lụt, gió bão… hoặc do các sản phẩm hoạt động sống của sinh vật, kể cả xác chết của chúng. Cây cối, sinh vật chết đi, chúng bị vi sinh vật phân hủy thành chất hữu cơ. Một phần sẽ ngấm vào lòng đất, sau đó ăn sâu vào nước ngầm, gây ô nhiễm, hoặc theo dòng nước ngầm hòa vào dòng lớn. Lụt lội có thể làm nước mất sự trong sạch, khuấy động những chất dơ trong hệ thống cống rãnh, mang theo nhiều chất thải độc hại từ nơi đổ rác, và cuốn theo các loại hoá chất trước đây đã được cất giữ.