Mục Lục
Bến Tre: chi hàng trăm triệu chế tạo máy lọc nước ngọt phục vụ miễn phí
“Chi phí lắp máy lọc nước 160 triệu đồng, chi phí vận hành lọc nước mặn thành nước tinh khiết ước tính khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng, tui tự lo”, ông Hòa cho biết. Từ đầu tháng 3 đến nay, mỗi ngày 3 buổi, khoảng sân rộng trước quán cơm chay từ thiện Thiện Phước (ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa, H.Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) lại tấp nập người dân đến lấy nước ngọt về sử dụng. Những người đến trễ đem thùng, can nhựa sắp thành hàng, chờ tới lượt lấy nước, trên mỗi chiếc can đều có ghi tên chủ nhân. Chị Nguyễn Thị Cẩm Sang, cư dân TT.Chợ Lách cho biết: “Nguồn nước ở đây rất sạch, tinh khiết, có thể uống trực tiếp mà không cần đun nấu. Mỗi ngày tui chạy xe mấy cây số đến đây xin 2 can nước loại 20 lít/can, đem về cho tui và má tui sử dụng nấu ăn, uống”.
Quán cơm chay từ thiện Thiện Phước là nhà của ông Trần Phước Hòa (SN 1977), hiện đang sống và làm việc ở TP.HCM. Ông Hòa cho biết, khi mùa hạn mặn chưa gay gắt, ông đầu tư 160 triệu đồng lắp 1 giàn máy lọc nước bình thường thành nước tinh khiết để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch cho các cháu học sinh mầm non, tiểu học trong xã. Nhưng từ đầu tháng 3, khi nước sông ở Chợ Lách có độ mặn lên đến 5- 6gr/lít, ông Hòa quyết định chạy hết công suất giàn máy lọc nước, đồng thời thông báo rộng rãi việc tặng nước ngọt tinh khiết miễn phí cho tất cả mọi người.
Theo anh Phạm Minh Tuấn, người đang trực tiếp trông coi giàn máy lọc nước, giàn máy này do một công ty ở TP.HCM lắp đặt, gồm 4 mô tơ bơm nước, 2 bình lọc nước thô nhiễm mặn cho ra nước tinh khiết và 3 bồn chứa nước sạch thành phẩm. Cứ 3 tiếng đồng hồ, giàn lọc nước cho ra 1.400 lít nước tinh khiết từ gần 4.000 lít nước nhiễm mặn, trung bình 1.000 lít nước nhiễm mặn sau khi lọc khử muối, tạp chất thu được khoảng 400 lít nước tinh khiết.
“Do công suất giàn lọc nước có hạn, dù phải hoạt động 24/24 nhưng mỗi ngày tụi tui phải chia ra 3 đợt cung cấp nước cho người dân. Buổi sáng lấy nước lúc 7 giờ, buổi trưa lúc 13 giờ và buổi chiều lúc 19 giờ. Ông Hòa bận việc làm ăn ở TP.HCM, nên chuyện điều hành cấp nước được giao cho các thanh niên của Đoàn thanh niên xã Hòa Nghĩa. Những đoàn viên thanh niên này còn chịu trách nhiệm chở nước tinh khiết đến tận nhà cho người già không có điều kiện đi lại, người khó khăn, tàn tật trong xã. Tiêu chuẩn mỗi hộ gia đình được tặng 40 lít/ngày để phục vụ nhu cầu ăn uống”, anh Tuấn cho biết.
Ông Nguyễn Văn Chói, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Nghĩa, cho biết hiện nay hơn 11.000 người dân của xã đang trong tình cảnh thiếu nguồn nước ngọt trầm trọng. “Địa bàn xã Hòa Nghĩa nằm lọt giữa sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Hiện tại nguồn nước mặt trên 2 con sông này bị nhiễm mặn ở mức 5-6gr muối/lít, không thể sử dụng để tắm giặt, ăn uống hay tưới cây ăn trái.
Trong khi đó giá bán nước ngọt lấy từ sông Tiền phía Đồng Tháp đem về là 100.000 đồng/m3, nhưng không phải ai cũng có tiền để mua. Vì vậy, việc ông Hòa bỏ tiền túi mua máy lọc nước nhiễm mặn thành nước tinh khiết tặng miễn phí cho người dân, đặc biệt là người nghèo, neo đơn, già cả, tàn tật, là việc làm rất đáng trân trọng. Xã có 8 ấp, nếu mỗi ấp có được 1 giàn lọc nước như của ông Hòa thì người dân sẽ bớt khổ vì thiếu nước sạch”, ông Chói cho biết.
Giúp được nhiều người giảm bớt khó khăn là vui
Nhưng ít người biết, nguồn nước tinh khiết được ông Hòa tặng miễn phí không phải là nước mặt lấy từ các con sông đem lên lọc mà là nguồn nước máy được ông mua lại của nhà máy cấp nước trong khu vực. Theo ông Hòa, khi lắp đặt giàn máy lọc nước, ông cũng định sử dụng nguồn nước sông cho đỡ tốn kém chi phí. Tuy nhiên sau khi khảo sát thực tế, ông Hòa quyết định mua nước của nhà máy cấp nước để lọc, bởi nguồn nước sông bị ô nhiễm đủ loại tạp chất.
“Mua nước máy về lọc thì đỡ tốn công cán, chi phí lọc bỏ các tạp chất bẩn, chỉ cần khử sạch muối và vi sinh là được. Tuy nhiên chi phí mua nước máy, dù là nước bị nhiễm mặn, cũng không hề rẻ: 9.600 đồng/m3, nếu sử dụng trên 15m3/ngày thì giá lên tới 13.000 đồng/m3. Trong khi đó tiền điện vận hành giàn máy lọc cũng khá cao, mỗi giờ giàn máy tiêu thụ 7,5 KW điện, mà chạy liên tục 24/24. Đó là chưa kể chi phí mua hóa chất súc bộ lọc, tẩy muối, phải thực hiện liên tục. Tính sơ bộ, mỗi tháng tui phải chi khoảng hơn 10 triệu đồng để duy trì hoạt động của giàn máy lọc, tự bỏ tiền túi ra lo thôi”, ông Hòa cho biết.
Theo các cán bộ của UBND xã Hòa Nghĩa, trước đây ông Hòa từng công tác trong ngành văn hóa thông tin của H.Chợ Lách, sau đó chuyển lên TP.HCM sinh sống và làm việc. Tuy ở xa nhưng ông Hòa vẫn tìm cách giúp đỡ người nghèo của địa phương mỗi khi có điều kiện.
“Ngoài việc mở quán cơm chay Thiện Phước bán giá 5.000 đồng/đĩa phục vụ người nghèo, những năm qua ông Hòa còn vận động được các nhà hảo tâm ở khắp nơi xây tặng cho người dân trong xã nhiều cây cầu bê tông kiên cố. Sau khi mua máy lọc nước mặn thành nước tinh khiết phục vụ miễn phí, ông Hòa còn mua 100 chiếc bình đựng nước để tặng những người quá khó khăn”, một cán bộ xã cho biết.
Người dân để thùng, can nhựa chờ tới giờ lấy nước tinh khiết miễn phí của ông Hòa – Ảnh: Thanh Anh
Ngoài quán cơm chay từ thiện Thiện Phước ở xã Hòa Nghĩa, ông Hòa còn điều hành 2 quán cơm chay từ thiện ở TX.Cai Lậy (Tiền Giang) và Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Nhắc chuyện làm từ thiện, ông Hòa cười, nói: “Lúc đầu tui làm từ thiện theo ý nguyện của ba tui, trước khi ông mất.
Nhưng sau đó tui nhận thấy hạn hán và nước mặn xâm nhập sâu đang càng ngày càng gay gắt, không phải chỉ năm nay mà có thể còn diễn ra trong những năm tới, nên tui mới quyết định mua máy lọc nước mặn thành nước tinh khiết tặng miễn phí cho người có nhu cầu. Mỗi ngày chiếc máy chỉ lọc được hơn 7m3 nước tinh khiết từ nước nhiễm mặn cung cấp cho bà con, nhưng giúp được nhiều người trong lúc khó khăn là tui cảm thấy vui. Tui đang suy nghĩ cách vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ để có thêm nhiều nguồn nước tinh khiết phục vụ người dân trong những năm tới”.
Giữa lúc tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt thì ở Bến Tre tiếp tục xuất hiện những tấm lòng hảo tâm san sẻ từng giọt nước ngọt quý giá cho cộng đồng. Từ ngày 8.3, ông Phạm Thành Thái (ấp An Thuận B, xã Mỹ Thạnh An, TP.Bến Tre) dùng xe tải chở nước ngọt về cung cấp miễn phí cho người dân trong xã. Buổi sáng ông Thái lấy xe đi chở 4.000 lít nước ngọt ở các vùng không bị nhiễm mặn, đem về trữ tại nhà. Đến 15 giờ chiều hằng ngày, ông Thái mở nước phân phát cho người dân, mỗi người 1 can 30 lít.
Còn ở ấp An Nhơn (xã An Ngãi Trung, H.Ba Tri), Thượng tọa Thích Thiện Lạc trụ trì chùa Thắng Quang, cho lắp đặt mô tơ điện bơm nước ngọt từ 3 chiếc giếng đào, 4 chiếc giếng khoan của nhà chùa để cung cấp cho người dân trong xã. Trong khi đó ở đình thần xã An Ngãi Trung, Ban Quản trị đình đã nghiêm cấm mọi người không được lấy nước ngọt từ chiếc giếng của đình để đem đi bán lại kiếm lời, chỉ dành phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân trong xã.