Thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá mang tính cấp bách của Hà Nội: Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) có tổng vốn đầu tư hơn 61 triệu yên (tương đương hơn 16.293 tỷ đồng). Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chiếm tới 85% tổng vốn đầu tư; còn lại là vốn đối ứng của TP. Hà Nội. Dự án được phát lệnh khởi công ngày 7/10/2016.
Mục Lục
Thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá mang tính cấp bách của Hà Nội
(BĐT) – Là dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải, Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, sau 3 năm kể từ ngày khởi công, gói thầu xây lắp cuối cùng trong số 4 gói thầu xây lắp chính của Dự án mới lựa chọn xong nhà thầu. Thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài hơn so với kế hoạch khiến Dự án có nguy cơ chậm tiến độ.
Mô hình Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá 3 năm mới chọn xong nhà thầu
Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) có tổng vốn đầu tư hơn 61 triệu yên (tương đương hơn 16.293 tỷ đồng). Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chiếm tới 85% tổng vốn đầu tư; còn lại là vốn đối ứng của TP. Hà Nội. Dự án được phát lệnh khởi công ngày 7/10/2016.
Dự án gồm có 4 gói thầu xây lắp chính được tổ chức đấu thầu cạnh tranh quốc tế, gồm: Gói thầu số 1 Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270.000 m3/ngày đêm; Gói thầu số 2 Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính; Gói thầu số 3 Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ; Gói thầu số 4 Xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và các khu đô thị mới.
Sau hơn 3 năm kể từ ngày khởi công, Gói thầu số 2 là gói thầu cuối cùng trong số 4 gói thầu xây lắp chính của Dự án vừa mới lựa chọn xong nhà thầu. Theo thông báo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP. Hà Nội (gọi tắt là Ban QLDA), Công ty Tekken (Tekken Corporation) trúng Gói thầu số 2 với giá trúng thầu là 2.091 tỷ đồng. 2 nhà thầu không được lựa chọn tại Gói thầu số 2 là: Liên danh Công ty CP Xây dựng thương mại An Xuân Thịnh – Công ty CP Sông Đà 9 (Liên danh An Xuân Thịnh – Sông Đà 9); Liên danh Tập đoàn SHIMIZU – Vinaconex E&C. Ban QLDA cho biết, 2 liên danh này bị loại do không đồng ý gia hạn thời gian hiệu lực của hồ sơ dự thầu và bảo đảm dự thầu theo yêu cầu của Bên mời thầu.
Trước đó, tháng 4/2019, Liên danh An Xuân Thịnh – Sông Đà 9 trúng Gói thầu số 4 với giá trúng thầu là 834,1 tỷ đồng (giảm 5,8 tỷ đồng so với giá gói thầu). 2 nhà thầu bị loại tại gói thầu này là: Công ty TNHH Xây dựng Nishimatsu; Liên danh Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC – Công ty TNHH Moriokagumi.
Gói thầu số 3 công bố kết quả lựa chọn nhà thầu vào tháng 10/2019. Theo đó, Liên danh An Xuân Thịnh – Sông Đà 9 tiếp tục trúng gói thầu này với giá trúng thầu là 637,9 tỷ đồng (giảm 11,4 tỷ đồng so với giá gói thầu). 2 nhà thầu bị loại tại gói thầu này là: Liên danh PFEIFFER – Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68; Công ty CP FECON. Được biết, Gói thầu số 1 đang được Liên danh JFE Engineering Corporation – TSK Joint Venture triển khai thực hiện từ tháng 1/2019.
Vì sao thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài?
Tại thời điểm khởi công, Dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào tháng 10/2019, trước 2 năm so với thiết kế ban đầu – năm 2021. Việc rút ngắn thời gian này được tính toán sẽ tiết kiệm khoảng 40 triệu USD. Tuy nhiên, với tiến độ lựa chọn nhà thầu như nêu trên, Dự án không thể hoàn thành mục tiêu tiết kiệm này, mà còn có nguy cơ khó hoàn thành đúng hạn vào năm 2021 khi tiến độ đang chậm so với kế hoạch được duyệt.
Lý giải nguyên nhân các gói thầu của Dự án được đóng thầu vào khoảng tháng 9/2018 nhưng tới nay mới có kết quả lựa chọn nhà thầu, bà Trương Thu Hiền, cán bộ của Ban QLDA cho biết, do quy trình tổ chức đấu thầu phải tuân thủ quy định sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, việc phê duyệt các văn bản trong đấu thầu phải nhận được sự thông qua của các cơ quan, đơn vị của 2 chính phủ trong Hiệp định vay là JICA, Bộ Tài chính…
Mặt khác, một số gói thầu thuộc Dự án có thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài do những nguyên nhân riêng. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Gói thầu số 3 được thông báo mời thầu lần đầu vào ngày 25/8/2016, tuy nhiên phải hủy thầu do 2 nhà thầu liên danh vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật có giá chào thầu cao hơn rất nhiều so với giá gói thầu. Do quá thời gian hiệu lực của bảo đảm dự thầu mà các nhà thầu đều không tiến hành gia hạn nên Chủ đầu tư đành phải quyết định hủy thầu để tổ chức đấu thầu lại.
Bà Hiền cho biết thêm, Gói thầu số 3 phải tổ chức đấu thầu lại đã làm mất thêm nhiều thời gian. Ngoài ra, Gói thầu số 2 phát sinh việc xử lý tình huống trong đấu thầu… cùng với công tác thiết kế và phê duyệt thiết kế kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu. “Do công tác triển khai Dự án có nhiều phát sinh, nên tiến độ đang chậm hơn so với kế hoạch được phê duyệt ban đầu. Hiện Chủ đầu tư đang yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ”, bà Hiền thông tin.