Đau đầu vấn đề xử lý nước thải ra biển tại Quảng Bình: Hàng chục hồ nuôi tôm ven biển tại Quảng Bình chưa đảm bảo hệ thống thu gom, xử lý nước thải Theo phản ánh của người dân, sau khi sử dụng nước để nuôi tôm, nhiều chủ hồ đã xả nước thải trực tiếp ra biển mà không thông qua bất kỳ hệ thống xử lý nào. Nước thải được xả liên tục cả ngày lẫn đêm, có màu đen, đặc quánh, bốc mùi hôi nồng nặc.
Đau đầu vấn đề xử lý nước thải ra biển tại Quảng Bình
Hàng chục hồ nuôi tôm ven biển tại xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) và Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) của tỉnh Quảng Bình chưa đảm bảo hệ thống thu gom, hồ xử lý nước thải mà hầu hết nước thải đang xả trực tiếp ra biển.
Hàng chục hồ nuôi tôm ven biển tại Quảng Bình chưa đảm bảo hệ thống thu gom, xử lý nước thải Theo phản ánh của người dân, sau khi sử dụng nước để nuôi tôm, nhiều chủ hồ đã xả nước thải trực tiếp ra biển mà không thông qua bất kỳ hệ thống xử lý nào. Nước thải được xả liên tục cả ngày lẫn đêm, có màu đen, đặc quánh, bốc mùi hôi nồng nặc.
Dọc bờ biển xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới; xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh và Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy kéo dài hơn 30km có hàng chục hồ nuôi hồ nuôi tôm. Dọc bờ biển có nhiều điểm xả nước thải không qua hồ lắng, hệ thống xử lý nước thải tại những hồ nuôi tôm chảy theo mương dẫn hoặc ống cống chảy ra biển.
Đặc biệt là tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh dọc bờ biển có trên 30 hộ không có hồ xử lý nước thải, bên cạnh đó nhiều hộ khác có hồ xử lý nước thải nhưng cũng đã xuống cấp. Phần lớn các hồ nuôi nối ống nhựa cỡ lớn, đặt dưới cát để xả nước thải. Đáng nói, tại đây còn có một cống xả rộng hơn 5m gom nước thải từ hàng loạt hồ tôm để lộ thiên rồi xả thẳng ra biển.
Nước thải xả trực tiếp ra biển
Tại những kênh rãnh thoát nước thải từ hồ nuôi tôm của những hộ gia đình nước thải có màu đen ngòm, chảy ào ạt khiến bọt sùi đầy cả con kênh. Dọc theo kênh, mương thoát nước thải này chất thải bám những lớp dày như bùn, bốc mùi hôi thối.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Liệu – Chủ tịch xã Hải Ninh cho biết: “Hiện nay tại địa phương có khoảng 30 đơn vị nuôi tôm với diện tích mặt hồ hơn 35ha. Việc xả nước thải ra môi trường, chính quyền địa phương cũng đã nắm và nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở, xử lý.
Ngoài việc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra xử lý vi phạm khi có phản ánh thì địa phương cũng thường xuyên nắm tình hình, nhắc nhở và yêu cầu các đơn vị viết cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi có lực lượng chức năng thì người nuôi đều chấp hành tốt nhưng sau đó họ lại lén lút xả thải nên cũng không quản lý hết được”.
Tình trạng hồ nuôi tôm xả nước thải trực tiếp ra biển mà không qua xử lý diễn ra trong thời gian dài gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các điểm du lịch dọc bãi biển Quảng Bình.
Nhiều hồ huyện cấp không có ao xử lý nước thải
Trao đổi với PV, ông Phan Xuân Hào – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết: “Nuôi tôm trước đây nó nóng sốt, sau này hiệu quả không mấy nữa, với lại đòi hỏi kỹ thuật cao nên giảm quy mô lại, người dân xin làm nhưng quy mô nhỏ lẻ nên cấp huyện cấp phép kế hoạch bảo vệ môi trường.
Do vậy quá trình xử lý chất thải họ không quan tâm đầu tư, nhiều hồ huyện cấp không có ao xử lý nước thải. Còn những dự án tỉnh cấp phép hồ xử lý nước thải phải đảm bảo từ 10 đến 15% diện tích ao nuôi ngoài ao lắng. Nước thải từ ao nuôi xả ra hệ thống ao xử lý nhưng hầu như quy mô nhỏ là họ không làm hồ xử lý. Hiện nay mỗi ngày họ xả trong vòng một tiếng đồng hồ để xử lý 10% nước thải ở ao nuôi, con tôm rất nhạy cảm, nước nuôi tôm phải đảm bảo không con tôm sẽ chết, do vậy nước nuôi tôm mà ô nhiễm khi thải ra thì con tôm cũng sẽ bị chết rồi”.
Ông Hào cũng cho biết thêm, khi thải nước ra thì kéo theo những phần thức ăn, vỏ tôm, những tế bào… không xử lý để lâu sẽ gây ra ô nhiễm ngay. “Ao lắng, sẽ có nhiệm vụ tích trữ trong 5 ngày để lắng lại sau đó mới xử lý, khử trùng xả ra ngoài” – ông Hào nói thêm.
Đến thời điểm này đã kiểm tra, lấy mẫu phân tích, sau khi có mẫu phân tích ao nào ô nhiễm sẽ tiến hành xử phạt
Ông Phan Xuân Hào còn cho biết, các biện pháp trước mắt sau quá trình kiểm tra yêu cầu buộc những hộ nuôi tôm phải có hồ xử lý nước thải, tối thiểu phải có 1-2 hồ chứa và xử lý. “Trước khi xả ra biển thì phải bơm qua hồ này khoảng 5 ngày, khử khuẩn, triệt khuẩn bằng các biện pháp thì mới được xả ra môi trường. Quy trình này là theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” – ông Hào nói.
Cũng theo ông Hào, đến thời điểm này đã kiểm tra, lấy mẫu phân tích, sau khi có mẫu phân tích ao nào ô nhiễm sẽ tiến hành xử phạt, có bằng chứng ô nhiễm là xử lý. Quan điểm là phải làm nghiêm, còn trường hợp đất cho thuê thương mại dịch vụ du lịch nhưng lại nuôi tôm sẽ kiểm tra, theo chỉ đạo của Giám đốc Sở xem xét yêu cầu dừng, cấm nuôi tôm và phải chuyển đổi sử dụng đúng mục đích.