Hà Tĩnh triển khai mô hình xử lý nước thải, rác thải đầu nguồn: Sau thời gian triển khai ở một số địa phương, bước đầu mô hình đã có hiệu quả nhất định, không những đã khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, mà còn mang lại nguồn lợi từ nguồn phân bón vi sinh để cải tạo đất nông nghiệp, biến các vùng nông thôn trở thành khu dân cư xanh, những miền quê đáng sống.
Hà Tĩnh triển khai mô hình xử lý nước thải, rác thải đầu nguồn
Theo ước tính, mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng 647 tấn. Toàn tỉnh hiện có 211 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải, tỷ lệ thu gom rác thải năm 2017 ở khu vực nông thôn đạt 70%, khu vực thành thị đạt 90%. Hà Tĩnh có 10 bãi rác, 6 lò đốt và 2 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động, với công suất thiết kế 700 tấn/ngày đêm. Trên thực tế, các nhà máy mới chỉ xử lý được khoảng 220 tấn/ngày đêm.
Từ thực tế trên, Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình MTQG XDNTM và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh đã phối hợp triển khai thí điểm mô hình thu gom, xử lý rác thải, nước thải đầu nguồn tại một số địa phương.
Theo đó, rác thải được phân loại thành rác tái chế, rác khó phân hủy và dễ phân hủy. Riêng rác thải hữu cơ được ủ làm phân bón tại vườn và ruộng, nước thải được xử lý chế phẩm sinh học, áp dụng công nghệ đơn giản, tiết kiệm được chi phí, đơn giản, dễ thực hiện phù hợp với điều kiện người dân nông thôn, Các mô hình xử lý chất thải, nước thải ở các địa phương chủ yếu xử lý theo từng hộ gia đình. Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh đang nghiên cứu mô hình xử lý theo cụm gia đình nhằm tiết kiệm chi phí.
Sau thời gian triển khai ở một số địa phương, bước đầu mô hình đã có hiệu quả nhất định, không những đã khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, mà còn mang lại nguồn lợi từ nguồn phân bón vi sinh để cải tạo đất nông nghiệp, biến các vùng nông thôn trở thành khu dân cư xanh, những miền quê đáng sống.
Tại các điểm khảo sát, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến ghi nhận, trong khi ở nhiều địa phương, việc giải quyết vấn đề rác thải nông thôn đang gặp lúng túng thì ở Hà Tĩnh bước đầu đã có hướng đi mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc xử lý rác thải, nước thải.
Qua khảo sát đánh giá lần này của Ban chỉ đạo NTM Trung ương và đoàn, mục tiêu chính là để tham mưu cho việc xây dựng hoạch định, chiến lược của giai đoạn mới. Sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020, phải nâng tầm, nâng cấp giải quyết vấn đề rất quan trọng mà nhiều địa phương đang lúng túng, đó là vấn đề môi trường, trong đó có rác thải, nước thải; định hướng chiều sâu giai đoạn thời gian tới. Nếu mô hình này ở Hà Tĩnh thành công sẽ nghiên cứu, đề xuất, tham mưu đưa vào 1 nội dung tiêu chí quốc gia, đồng thời ban hành chính sách nhân rộng và thực hiện.
Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương cũng đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề án, để trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ có những tham gia đóng góp, hỗ trợ giúp Hà Tĩnh hoàn thiện đề án. Trước đó, đoàn đến kiểm tra, khảo sát trực tiếp một số mô hình sản xuất tham gia chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Đoàn thăm mô hình sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời tại HTX Phú Khương (xã Kỳ Xuân).
Nước mắm Phú Khương của HTX Phú Khương, xã Kỳ Xuân là 1 trong 6 sản phẩm điểm đầu tiên tham gia chương trình OCOP của Hà Tĩnh.
Đối với sản xuất nước mắm, đoàn đánh giá cao khi các mô hình đã có ứng dụng KH&CN vào sản xuất, sản phẩm có chất lượng cao, bước đầu phát huy giá trị kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương. Tuy nhiên, đoàn cũng lưu ý, bên cạnh giám sát chất lượng các sản phẩm trong chương trình OCOP, Hà Tĩnh cần quan tâm hỗ trợ các đơn vị thiết kế, in ấn nhãn mác, bao bì để có thể thu hút khách hàng hơn. Đồng thời lưu ý vị trí dán tem; thông tin truy xuất nguồn gốc cũng cần thể hiện chất lượng, giá trị sản phẩm …